Cập nhật vào :

Ngày 18/4, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ vừa ký thông báo chỉ đạo thực hiện các công trình xây dựng cơ bản quan trọng trên địa bàn. Trong đó, đối với dự án mở rộng cảng Tiên sa (giai đoạn 2), Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị Công ty CP Cảng Đà Nẵng chủ động làm việc với các sở, ngành hoàn thiện hồ sơ thủ tục pháp lý liên quan, triển khai nổ mìn phá đá, khởi công dự án theo kế hoạch đề ra vào ngày 25/6.

Dự án mở rộng cảng Tiên Sa dự kiến khởi công cuối quý 3 hoặc đầu quý 4/2015 nhưng nay đã đầu quý 2/2016 vẫn chưa được khởi công! (Ảnh: HC)

Tại thông báo này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng thống nhất cho Công ty CP Cảng Đà Nẵng thuê tạm khu đất tại Hải đội 2 để chứa hàng phục vụ thi công dự án trong thời hạn 1 năm và đề nghị Công ty CP Cảng Đà Nẵng chủ động làm việc với Sở TN-MT để thực hiện các thủ tục theo quy định.

Trước đó, tại cuộc họp Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch TP Đà Nẵng ngày 27/3/2015, ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho hay, dự án mở rộng cảng Tiên Sa dự kiến khởi công vào cuối quý 3 hoặc đầu quý 4/2015. Tuy nhiên hiện đã đầu quý 2/2016 mà dự án vẫn chưa chính thức khởi công. Trao đổi với PV Infonet chiều 18/4, ông Nguyễn Hữu Sia cũng không chắc lắm về việc khởi công dự án vào ngày 25/6 theo yêu cầu của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

“Anh Huỳnh Đức Thơ yêu cầu cuối tháng 6 khởi công dự án. Ảnh hỏi 25/6 được không? Tôi bảo bọn tôi cũng cố gắng. Chắc là cuối tháng 6 bọn tôi sẽ làm, nhưng ngày 25 thì chưa được. Vì thực sự ra tư vấn thiết kế, dự toán... người ta làm hơi chậm. Nếu không khởi công được dự án trong tháng 6 thì từ ngày 1 đến ngày 10/7 cũng phải khởi công. Vì nó cũng đã trễ rồi!” – ông Nguyễn Hữu Sia nói.

Như Infonet đã đưa tin, dự án mở rộng cảng Tiên Sa (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư 1.070 tỉ đồng. UBND TP Đà Nẵng đã kêu gọi Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thu xếp nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật để tài trợ. Tuy nhiên sau khi cổ phần hóa, Công ty CP Cảng Đà Nẵng xét thấy tự huy động được nguồn vốn cho dự án vì cho rằng như thế có hiệu quả hơn nên từ chối nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Theo Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, tuy Công ty CP Cảng Đà Nẵng quản lý và kinh doanh cảng Tiên Sa nhưng đây là cảng của Đà Nẵng. TP có phát triển hay không cũng nhờ vào cảng này. Việc tính toán nguồn vốn đầu tư là của Công ty, nhưng đơn vị từ chối vốn ODA thì phải bảo đảm đủ tiền để đầu tư. Tốc độ tăng trưởng của cảng có ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng. Với tốc độ tăng 10 – 20%/năm như hiện nay thì chỉ 5 – 6 năm nữa lượng hàng qua cảng Tiên Sa sẽ lên tới 10 triệu tấn/năm, nếu không thực hiện kịp giai đoạn 2 thì không biết đường này mà chạy! 

“Vì vậy, anh Sia phải có cam kết chứ không phải nói rồi không làm, bảo là huy động vốn không được, không ai cho vay. Nếu không làm được cảng này mà để bế tắc thì anh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Chứ không phải anh tính toán thiệt hơn, cuối cùng chẳng ai cho vay được 1.000 tỉ để làm, rồi bỏ bê là không được. Tôi lưu ý Cảng Đà Nẵng phải có trách nhiệm với TP trong việc này để đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của TP, chứ nếu cảng này không phát triển thì TP cũng… chết luôn!” – ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.

Tại cuộc họp Hội đồng Kiến trúc – Quy hoạch TP Đà Nẵng ngày 27/3/2015, ông Nguyễn Hữu Sia tuyên bố: “Tôi dũng cảm để nói rằng, tôi theo đuổi dự án này mà nếu để thiếu vốn, không làm được thì tôi sẽ từ chức!”. Trước ý kiến này, ông Huỳnh Đức Thơ nói: “Đúng rồi! Mà từ chức thật đó nghe. Nếu anh không làm được thì tôi ép anh từ chức luôn chứ không phải nói chơi đâu!”.

Trao đổi với PV Infonet chiều 18/4, ông Nguyễn Hữu Sia tiếp tục nhấn mạnh: “Dứt khoát phải làm, bởi vì tiền bọn tôi có rồi mà không làm được do khâu thủ tục là vô lý!”. Ngoài chuyện tư vấn thiết kế, dự toán... làm hơi chậm, ông Nguyễn Hữu Sia cũng cho biết, trong khâu thủ tục thì đến đầu tháng 4 vừa rồi, TP Đà Nẵng mới chính thức có quyết định cấp đất và vùng mặt nước mới cho dự án.

Trong khi đó, về phần vốn, ông Nguyễn Hữu Sia khẳng định, đến thời điểm này Công ty CP Cảng Đà Nẵng đã thu xếp được 30% vốn cho dự án từ nguồn tự có của đơn vị (khoảng 300 tỉ đồng); 30% sẽ từ nguồn vốn vay, còn lại hơn 30% là từ thị trường vốn bên ngoài (như thị trường chứng khoán).

“Về vốn, bọn tôi nói được là làm được. Điều kiện khởi công thì bây giờ có sẵn rồi, mọi cái đã gần như OK, chỉ có khâu thiết kế chi tiết, rồi mời thầu, đấu thầu thì phải có thời gian bao nhiêu ngày theo đúng quy định về xây dựng cơ bản theo của nhà nước. Mình làm đúng trình tự nên có hơi chậm một tí!” – ông Nguyễn Hữu Sia nói

(Theo infonet.vn )